THỪA KẾ TÀI SẢN – CÓ PHẢI NỘP THUẾ KHÔNG?
Cha con tác giả bên hồ Trúc Bạch, Hà Nội – Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh chụp bởi người qua đường, một khoảnh khắc tình cờ mà quý giá.
Tôi viết bài này với một cảm xúc rất đặc biệt: "Cha mẹ thương con vô điều kiện."
Hôm qua là lần thứ ba trong vòng chưa đầy một tháng, tôi được hỏi cùng một câu:
“Sau này con của tôi có phải nộp thuế khi được nhận thừa kế tài sản của tôi không?”
Câu hỏi ấy đến từ một người đàn ông đã về hưu – dáng vẻ bình dị, ánh mắt hiền lành, tay cầm bộ hồ sơ đã sắp xếp cẩn thận. Anh ấy muốn lập di chúc để lại tài sản cho các con. Nhưng điều khiến anh trăn trở lại là:
“Tôi sợ các cháu sau này phải bán nhà để nộp thuế... Thương lắm!”
Tôi lặng đi một chút.
Không phải vì câu hỏi pháp lý quá khó. Mà vì tình cảm của cha mẹ dành cho con cái luôn làm người nghe xúc động. Một thứ tình cảm âm thầm, bền bỉ, và luôn nghĩ đến con... cả sau khi mình đã không còn.
Nhìn lại bức ảnh Tết năm ấy – tôi thấy mình và các con, ngồi lặng bên nhau – và hiểu ra: Có những điều nếu không kịp làm rõ, thì ngày mai sẽ có thể trở nên phức tạp. Và rồi, chính con cái lại phải xoay xở giữa những rối rắm, trong khi điều cha mẹ mong chỉ là một chữ “bình an”.
Bài viết này vì thế, không chỉ là để trả lời câu hỏi pháp lý ấy, mà là để mọi người – những người cha, người mẹ – cùng đọc, cùng hiểu, và chuẩn bị.
Để sau này, khỏi phải mất công tìm đến luật sư trong nỗi bối rối muộn màng.
1. THỪA KẾ TÀI SẢN Ở VIỆT NAM – CÓ PHẢI NỘP THUẾ KHÔNG?
Câu trả lời là: KHÔNG phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu người thừa kế là cha mẹ, vợ chồng, con cái, ông bà – cháu nội, ngoại, anh chị em ruột.
Căn cứ: Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi, bổ sung 2012 (hiện hành).
Tuy nhiên, vẫn phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký tài sản (như nhà, đất, xe) theo quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP. Lệ phí này thường là 0,5% giá trị tài sản, nhưng được miễn trong trường hợp thừa kế giữa những người trong cùng dòng họ trực hệ.
Tóm lại: Nhận nhà, đất từ cha mẹ hoặc ông bà: không mất đồng nào cả – kể cả thuế lẫn lệ phí.
2. VẬY KHI NÀO MỚI PHẢI NỘP THUẾ THỪA KẾ?
Việt Nam không áp dụng thuế thừa kế như một số quốc gia (Nhật, Hàn, Pháp...). Tuy nhiên, bạn sẽ phải nộp thuế nếu bán lại tài sản đã thừa kế.
Ví dụ:
- Được bố mẹ để lại nhà, đứng tên xong bán: bị tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng BĐS, mức thuế 2% giá bán.
Căn cứ: Luật Thuế TNCN & Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC
- Tuy nhiên, được miễn nếu đó là duy nhất một nhà ở, và sở hữu >183 ngày.
Căn cứ: Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP
3. CÒN Ở NƯỚC NGOÀI THÌ SAO?
Mỗi quốc gia có quy định riêng. Nhiều nước áp dụng thuế thừa kế rất cao (Nhật Bản 55%, Hàn Quốc 50%) – nhưng chỉ khi vượt mốc giá trị nhất định.
Người Việt định cư hoặc có tài sản ở nước ngoài cần hiểu luật sở tại. Có trường hợp bị đánh thuế kép, hoặc phát sinh nghĩa vụ khai báo tài sản với thuế Việt Nam (nếu chuyển về).
4. VÀI LỜI SAU CÙNG
Tôi kể câu chuyện này vì không muốn bạn cứ mãi lo sợ điều chưa chắc đã xảy ra, trong khi điều chắc chắn là: bạn vẫn chưa lập di chúc rõ ràng để con cháu sau này khỏi phải tranh chấp.
Và tôi cũng không muốn bạn tìm đến luật sư khi đã quá muộn – khi người thân mất rồi, mà giấy tờ thiếu, di chúc không có, đất còn tranh chấp, tài sản chưa sang tên…
Người cha hôm qua, sau khi nghe tôi giải thích, đã mỉm cười nhẹ nhõm. Anh quyết định lập di chúc ngay, làm mọi thứ rõ ràng, minh bạch. Tôi nghĩ, đó là một cách yêu thương con cái đúng nghĩa – nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc.
Luật sư Dương Văn Thành