Bàn về trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian dối trong việc làm hồ sơ xin thị thực
Hiện nay các cá nhân có hành vi làm giả, hợp thức hoá hồ sơ xin thị thực đều bị điều tra, truy tố và xét xử theo các tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Về việc điều tra, truy tố, xét xử này, tác giả xin có mấy ý kiến trao đổi.
(Ảnh minh họa)
Tình trạng thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ làm hồ sơ xin thị thực cho công dân Việt Nam đi du lịch, du học, lao động tại các nước Canada, Úc và một số nước thuộc châu Âu ở các địa phương trên toàn quốc vẫn đang diễn ra tương đối phổ biến. Để việc xin thị thực được cơ quan chức năng các nước ngoài nói trên chấp nhận, hạn chế khả năng hồ sơ bị từ chối, một số Công ty đã có hành vi làm giả, hợp thức hoá hồ sơ xin thị thực. Đối với các trường hợp mà tác giả được biết thì các hồ sơ này đều được phía nước ngoài chấp nhận cấp thị thực nhập cảnh.
Về hành vi này, đối với các trường hợp bị phát hiện, các cá nhân đã thực hiện hành vi gian dối nói trên đều bị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố và xét xử theo các tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” theo các Điều 341, 348 BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, còn các khách hàng mà nhờ việc làm giả, hợp thức hoá hồ sơ xin thị thực nói trên xuất cảnh ra nước ngoài được không phải chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý nào.
1. Những người thực hiện hành vi gian dối trên có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép hay không?
Để điều tra, truy tố, xét xử người thực hiện hành vi gian dối là làm giả, hợp thức hoá hồ sơ xin thị thực xuất cảnh ra nước ngoài cho các khách hàng của mình nói trên về tội “ Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, thì những người được xuất cảnh đó phải là những người có hành vi xuất cảnh trái phép. Tuy vậy, Điều 33 về điều kiện xuất cảnh của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định như sau:
1. Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng;
b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Với quy định pháp luật được trích dẫn trên, thì việc xuất cảnh của các khách hàng của các Công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ làm hồ sơ xin thị thực cho công dân Việt Nam đi du lịch, du học, lao động tại các nước ngoài nói trên không phải là trái phép, vì họ xuất cảnh trong trường hợp đã có thị thực của nước ngoài và theo pháp luật Việt Nam thì đây là trường hợp được xuất cảnh.
Nếu cho rằng thị thực được cấp là nhờ có hành vi gian dối, nên việc xuất cảnh của các khách hàng của các Công ty nói trên là trái phép, thì cũng không thoả đáng, vì các lẽ sau:
Thứ nhất: Việc điều tra không chứng minh được hành vi làm giả, hợp thức hoá hồ sơ xin thị thực có ý nghĩa quyết định trong việc được cấp thị thực, vì phía nước ngoài không có bất cứ quy định rõ ràng nào về điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp thị thực, cũng như không có bất cứ văn bản trả lời nào cho phía Việt Nam biết về việc các hồ sơ trên nếu không có sự làm giả, hợp thức hoá thì có được cấp thị thực hay không. Tức là nếu không có hành vi làm giả, hợp thức hoá hồ sơ cho khách hàng của các Công ty trên, thì các khách hàng của họ vẫn có thể được cấp thị thực. Do đó không đủ căn cứ để kết luận thị thực được cấp là nhờ hành vi gian dối nói trên trên.
Thứ hai: Và điều quan trọng hơn, đó là để xem xét hành vi xuất cảnh trên có trái phép hay không, phải dựa vào các quy định pháp luật hết sức rõ ràng, cụ thể, tránh việc suy diễn một cách cảm tính, tuỳ tiện. Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 33 về điều kiện xuất cảnh của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có thị thực, nên trong mọi trường hợp, khi mà người xuất cảnh có thị thực, thì không được coi là hành vi xuất cảnh của họ là trái phép. Nếu họ có gian dối trong quá trình cung cấp thông tin để làm hồ sơ xin thị thực thì cũng chỉ buộc họ phải chịu trách nhiệm về sự gian dối trong việc tạo ra tài liệu giả của cơ quan, tổ chức này, mà không được suy diễn một cách vô căn cứ, cho rằng hành vi xuất cảnh của họ là trái phép.
Như vậy, khi mà các khách hàng không có hành vi xuất cảnh trái phép, thì những người có hành vi gian dối trong việc làm hồ sơ xin thị thực cho các khách hàng trên cũng không thể bị buộc tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” quy định tại Điều 348 BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, vì phải có người xuất cảnh trái phép mới có người tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép.
2. Cần định tội đối với hành vi dùng hồ sơ có các tài liệu giả nói trên để xin cấp thị thực như thế nào cho đúng?
Về hành vi làm giả, hợp thức hoá hồ sơ xin thị thực, tác giả cho rằng việc định tội đối với hành vi này đã rõ, không cần trao đổi thêm. Riêng về hành vi dùng hồ sơ có các tài liệu giả nói trên để xin thị thực nhập cảnh vào nước ngoài cho khách hàng của mình của những người làm việc trong các Công ty trên có phạm tội hay không? Nếu có thì phạm vào tội nào của BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 hay không?
Như đã phân tích ở trên, tác giả cho rằng hành vi dùng hồ sơ có các tài liệu giả nói trên để xin thị thực nhập cảnh vào nước ngoài cho khách hàng của mình của những người làm việc trong các Công ty trên không phạm tội Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Đây là hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi trái pháp luật, cụ thể đó là hành vi gian dối trong việc xin thị thực.
Do đó, theo tác giả, về cơ bản những người làm việc tại các Công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ làm hồ sơ xin thị thực cho công dân Việt Nam đi du lịch, du học, lao động ở nước ngoài mà đã có hành vi gian dối trong việc làm giả, hợp thức hoá hồ sơ xin thị thực thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Hai tội này cùng được quy định tại Điều 341 BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Riêng những nhân viên mà theo sự phân công, chỉ đạo của lãnh đạo Công ty, chỉ thực hiện một hoặc một số khâu trong việc chỉnh sửa tài liệu, hoàn toàn không liên quan đến việc xin thị thực thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Trên đây là mấy ý kiến trao đổi của tác giả về một loại hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra tương đối phổ biến hiện nay trên toàn quốc. Để có sự áp dụng pháp luật thống nhất, không xảy ra tình trạng kết án sai, tác giả mong nhận được sự trao đổi, tranh luận của bạn đọc đối với trường hợp phạm tội này.
LUẬT SƯ HOÀNG QUẢNG LỰC
(Công ty Luật TNHH MTV Gia Thành)
Bài Viết Nhiều Người Xem
Bài viết liên quan
Giải quyết tranh chấp tài sản chung vợ chồng sau ly hôn, khi một bên khởi kiện vì cho rằng bên kia vi phạm thỏa thuận
Hiện nay, với tình trạng ly hôn vợ chồng tự thỏa thuận phân chia tài sản mà không yêu cầu Tòa án giải quyết, nhằm tiết kiệm để không phải trả khoản tiền án phí chia tài sản chung vợ chồng tại Tòa án xảy ra tương đối phổ biến.
Những vấn đề bất cập bộc lộ từ một trường hợp trả lại đơn khởi kiện
Nhận, giải quyết đơn khởi kiện là một vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến Chiến lược cải cách tư pháp. Do đó tác giả đưa vấn đề này, thông qua một trường hợp trả lại đơn để trao đổi, để những khó khăn, vướng mắc được giải quyết.