VCCI: LUẬT DOANH NGHIỆP ĐÃ PHÁT SINH MỘT SỐ BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC CẦN ĐƯỢC XEM XÉT SỬA ĐỔI

Những quy định có tính cải cách trong Luật Doanh nghiệp 2020 như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp tự chủ về con dấu; có nhiều người đại diện theo pháp luật; góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng tài sản… đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, tổ chức hoạt động kinh doanh, thể hiện rất rõ tư tưởng về quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trong quá trình áp dụng, một số quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc, cần được xem xét sửa đổi. 
(Ảnh minh họa)
CẦN TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI KHI ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP
Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền yêu cầu người thành lập doanh nghiệp cung cấp phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quy định này còn nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, VCCI đặt câu hỏi về các trường hợp cụ thể nào mà cơ quan đăng ký kinh doanh mới có quyền yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp. Việc trao quyền quyết định này cho cơ quan hành chính có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện, gây phiền hà cho người dân.
Hơn nữa, trong thời đại số, việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước đã trở nên thuận tiện hơn. Thay vì yêu cầu người dân cung cấp phiếu lý lịch tư pháp, cơ quan đăng ký kinh doanh hoàn toàn có thể truy cập trực tiếp vào hệ thống để kiểm tra thông tin.
Vì những lý do trên, VCCI đề xuất nên bãi bỏ quy định về phiếu lý lịch tư pháp tại điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, VCCI kiến nghị cần làm rõ hơn về hiệu lực và thời điểm có hiệu lực của các thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành tại khoản 2 Điều 30 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký thay đổi thông tin trong vòng 10 ngày kể từ “ngày có thay đổi”. Tuy nhiên, luật chưa quy định cụ thể “ngày có thay đổi” là ngày nào: là ngày doanh nghiệp ban hành quyết định thay đổi, ngày ghi trong quyết định, hay là ngày cơ quan đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận?
Thực tế, nhiều doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đang coi ngày cấp lại Giấy chứng nhận là ngày có hiệu lực của thay đổi để đảm bảo tính công khai và bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba. Tuy nhiên, cách hiểu này gây ra nhiều bất cập trong thực tiễn.
Ví dụ, khi thay đổi người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp có thể ban hành quyết định cho phép người đại diện mới nhậm chức từ ngày 1/4, nhưng Giấy chứng nhận mới lại được cấp vào ngày 14/3. Vậy, người đại diện mới sẽ có hiệu lực từ ngày nào?
Việc không rõ ràng về thời điểm có hiệu lực gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch và thực hiện các giao dịch. Đồng thời, nó cũng tạo ra những rủi ro pháp lý không cần thiết.
Để giải quyết vấn đề này, VCCI đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể về thời điểm có hiệu lực của các thay đổi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
CHƯA CÓ QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN KÝ KẾT HỢP ĐỒNG GIỮA CÁC DOANH NGHIỆP CÓ CÙNG NGƯỜI ĐẠI DIỆN PHÁP LUẬT
Trong trường hợp hai doanh nghiệp có cùng một cá nhân làm người đại diện theo pháp luật phát sinh giao dịch với nhau, và cá nhân này là đại diện theo pháp luật duy nhất của các doanh nghiệp này, việc ký kết hợp đồng của người đại diện pháp luật thay mặt cho cả hai doanh nghiệp sẽ có thể dẫn tới vi phạm quy định về đại diện theo Bộ Luật Dân Sự 2015.
Cụ thể, theo  khoản 3 Điều 141 Bộ Luật Dân Sự 2015, một cá nhân không được nhân danh người [hoặc tổ chức] mình đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện. Do đó, nếu trường hợp một cá nhân cùng làm người đại diện theo pháp luật cho hai doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với nhau (hoặc một trường hợp tương tự), Luật Doanh nghiệp cần có cơ chế để chọn ra người có thẩm quyền ký kết hợp đồng, tài liệu liên quan để đảm bảo tốt nhất lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và tránh xung đột về mặt lợi ích.
Do đó, doanh nghiệp đề nghị bổ sung quy định về cơ chế chọn ra người có thẩm quyền ký kết hợp đồng, tài liệu liên quan trong trường hợp một cá nhân cùng làm người đại diện theo pháp luật cho hai doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với nhau (hoặc một trường hợp tương tự).
Ngoài ra là bất cập về việc ghi nhận thông tin của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại cả Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; chưa có cơ chế chịu trách nhiệm của HĐTV trong Công ty TNHH 1 thành viên; chưa có quy định về nhiệm kỳ của người quản lý; quy định chưa rõ ràng về thời điểm “hoàn thành việc sáp nhập doanh nghiệp” và thời điểm công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp và chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập… đòi hỏi cần được bổ sung, sửa đổi.
 

Bài viết liên quan

Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam

Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam

Nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, Công ty Luật TNHH MTV Gia Thành xin dành những lời chúc tốt đẹp nhất tới các đồng nghiệp Luật sư – những người đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, bảo vệ sự công minh của hệ thống pháp luật Việt Nam và phát triển nghề luật sư. Chúc các Luật sư đồng nghiệp có thật nhiều sức khoẻ, bản lĩnh luôn vững vàng và luôn luôn bảo vệ công lý, lẽ phải, ngày càng phát triển vững mạnh về chất lượng, tạo lập niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh, địa vị pháp lý của Luật sư và nghề Luật sư.